Sáng sớm, ngư dân ở khu vực Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà) tấp nập chuyển từng rổ ruốc vừa đánh bắt được từ thuyền máy vào bờ.

Ruốc, còn có tên là moi, tép moi, tép biển, thuộc loài động vật giáp xác mười chân, chỉ lớn khoảng 10 đến 40 mm. So với năm ngoái, "lộc trời" ruốc biển ở Sơn Trà năm nay đến muộn hơn một tháng.

Chợ ruốc họp ven biển thu hút hàng trăm thương lái đến mua bán.

Mỗi khi có mẻ ruốc mới, các tiểu thương lại chen chúc kiểm tra chất lượng xem con to hay nhỏ, tươi hay không, rồi trả giá để giành mua.

Ruốc xuất hiện chủ yếu ở khu vực biển dưới chân bán đảo Sơn Trà. Có hai cách để bắt ruốc: Bủa lưới mắt nhỏ rồi chong đèn suốt đêm để thu hút luồng ruốc tìm đến; thuyền máy nháy đèn pha và dùng vợt lớn để xúc.

Ruốc tươi ngon được trả giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg. Những ngày này, nhiều ngư dân thu tiền triệu mỗi buổi ra khơi. Các tiểu thương có thể bán lẻ ngay tại chỗ hoặc gom hàng đưa đến các chợ. "Năm nay do dịch corona nên sức mua giảm hơn năm trước, giá vì thế cũng thấp hơn", tiểu thương tên Hoa nói.

Để hàng ruốc của mình nhìn tươi ngon hơn, nhiều tiểu thương dành thời gian ngồi nhặt sạch rác hoặc các loại cá nhỏ dính vào. Ruốc tươi có màu trong và nhìn bắt mắt, bán được giá. Còn ruốc đã chết lâu sẽ nhạt màu hơn và dùng để làm mắm, giá rẻ hơn.

Chợ ruốc họp nhộn nhịp từ khoảng 5h đến 7h sáng. Nhiều người dân biết có mùa ruốc cũng thức dậy đi chợ sớm để chọn mua những mẻ ruốc tươi.

Người dân phơi ruốc dọc tuyến đường biển. Nếu được nắng, ruốc chỉ cần phơi một ngày là có thể đóng gói. Giá một kg ruốc khô khoảng 150.000 đến 200.000 đồng.

Xưởng làm mắm tận dụng những bãi đất trống để phơi ruốc sau khi đã xay nhuyễn. Ruốc được đảo nhiều lần đến khi sẫm mầu thì đóng vào các hộp nhỏ để bán.

Bà Thuỷ (trú đường Hoàng Hoa Thám, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) mua một cân ruốc tươi về làm "mắm xổi" với nguyên liệu chính là ruốc, riềng, ớt. Lọ mắm này có thể dùng trong vòng vài ba ngày, ăn với thịt luộc kèm rau sống hoặc cơm nóng. "Đây là đặc sản nhiều người ở Quảng Nam, Đà Nẵng rất thích", bà Thuỷ nói.

Người dân địa phương chế biến ruốc thành các món ăn hàng ngày như: Nhúng dấm ăn với rau thơm và bánh tráng; xào, kho, nấu canh...

Nguồn: VNexpress

028.38650.286